Dân tộc ta có truyền thống “ Tôn sư trọng đạo” nét đẹp đó
đã được bao thế hệ con em thừa kế và phát huy. Từ xưa đã có câu:
"Muốn sang thì bắc cầu kiều Muốn con hay chữ thì yêu lấy
thầy"
Được coi trọng như vậy bởi người giáo viên luôn được tượng
trưng cho những gì chuẩn mực , đạo lý và người giáo viên còn có sứ
mệnh cao quý là truyền dạy văn hóa cho mọi người, nhất là các thế
hệ học sinh của mình, giúp họ trở nên người có học vấn, có nhân
cách tốt đẹp, có năng lực giúp ích cho đời, cho dân, cho nước.
Người đời có câu hay nói: “Người giáo viên tốt là người vẽ vang
nhất”. Dù là tên tuổi không đăng trên mặt báo, không được thưởng huân
chương., chỉ là những anh hùng vô danh…nhưng đối với họ đó là niềm
tự hào và sự cao quý.
Mọi người thường hay ví người thầy giáo, cô giáo
như người lái đò chở khách sang sông. Khách lên bờ có mấy ai ngoảnh lại,
chỉ có người lái đò vẫn dõi trông theo. Tôi lại nghĩ khác: Trên bến sông đời,
lữ khách có thể chẳng mấy ai nhớ đến người lái đò nhưng trên bến sông tri thức
thì con người dễ mấy ai quên, bởi lẽ những tri thức do người thầy giáo, cô
giáo mang lại cho học sinh sẽ trở thành hành trang để các em mang theo
suốt cả cuộc đời mình. Các em sẽ không quên hình ảnh người thầy, người cô bởi
lẽ, người thầy giáo không chỉ đơn thuần là người truyền đạt tri thức, trí
tuệ mà còn đem đến cho học sinh những niềm vui, tình thương yêu và kĩ năng
sống. Thử hỏi có nghề nghiệp nào vinh dự, tự hào, hạnh phúc như nghề dạy học
không?
Quả thật vậy, nghề dạy học là một nghề vô cùng cao
quý, đào tạo nên nguồn nhân lực quyết định tới sự phát triển của đất nước.
Không gì có thể sánh bằng công lao vất vả của những người thầy giáo, cô giáo
trong sự nghiệp trồng người. Bao nhiêu lứa học sinh đi qua, mái tóc thầy càng
trở nên bạc trắng theo năm tháng, nhưng sự tâm huyết muốn đem đến tri thức và
những bài học quý giá cho các học trò của mình thì mãi sẽ không thay đổi trong
mỗi người thầy.
Nghề dạy học là một nghề vinh quang, do đó để trở
thành một người thầy giáo chân chính, người thầy phải lao động thật nghiêm túc,
không ngừng học tập nâng cao trình độ của mình và phải luôn luôn tu dưỡng đạo
đức.
Nghề dạy học đòi hỏi người đứng trên bục giảng phải
có bản lĩnh, biết chịu đựng và vượt qua khó khăn trước mắt, đem hết sức mình
cống hiến cho những thế hệ tương lai của đất nước. Một nghề nghiệp mà cho
dù hoàn cảnh, cuộc sống chung có khó khăn hay cuộc đời riêng nhiều trắc
trở, cũng chẳng ai cho phép mình được u sầu, bất mãn trước học trò.
Dạy học là một nghề khó và đôi khi đem lại cho ta sự
mệt mỏi. Đôi khi nó còn là một sự chán nản, bởi vẫn còn đâu đây những khó khăn
phía trước. Nhưng đó chỉ là những nỗi buồn thoáng qua bởi quanh chúng ta có
rất nhiều sự tin yêu, kính trọng của các thế hệ học trò. Ta có thể bắt gặp học
trò của ta khắp nơi, với những ánh mắt sáng lấp lánh, những nụ cười tươi và
những vòng tay lễ phép cúi xuống: “Em chào cô ạ!”. Ta lại có cảm giác tự hào,
hạnh phúc vì thấy mình vẫn còn quan trọng trong cuộc sống của trẻ. Ta lại
thấy yêu thêm nghề dạy học ta đã chọn. Bạn có nghĩ như thế không?.
Một lần nữa tôi xin chúc các thầy giáo
cô giáo toàn quốc lời chúc sức khỏe, có một ngày lể tràn
ngập hạnh phúc!